Nói về lý do không nên chọn người giàu làm trưởng ban phụ huynh, ông Hoàng Văn Minh cho biết: “Phụ huynh giàu không hiểu được cái khó của phụ huynh nghèo”.
Phụ huynh giàu dùng tiêu chuẩn của người giàu cho số đông?
Ông Hoàng Văn Minh (43 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) có hai con đang học lớp 6 và 10. Mười năm đi họp phụ huynh cho con, ông Minh rút ra kết luận: “Không nên chọn người giàu làm trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi họ sẽ dùng mức chi tiêu của người giàu làm tiêu chuẩn”.
Theo ông Minh, mỗi năm học có rất nhiều hoạt động cần tổ chức cho học sinh. Hoạt động nào cũng cần đến tiền. Song, một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm những phụ huynh điều kiện kinh tế tốt sẽ đưa ra đề xuất khác biệt so với một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm những phụ huynh điều kiện kinh tế trung bình.
Hoạt động vui Tết Trung thu của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Đông Triều, Quảng Ninh (Ảnh: HH).
“Tôi ví dụ, cùng một sự kiện Tết Trung thu, một ban phụ huynh khá giả thường đề xuất sắp mâm cỗ hoành tráng, đặt người làm chó bưởi, tỉa dưa hấu, mua đồ trang trí ở Hàng Mã. Nhanh, gọn, đẹp, nhàn và nhiều tiền.
Nhưng lớp con tôi, bác trưởng ban là công chức Nhà nước. Bác chốt chỉ có 500.000 đồng cho sự kiện này. Nhà ai có ông bà, cô dì chú bác biết cắt tỉa hoa quả thì lên giúp lớp. Có phụ huynh đề xuất đặt cỗ, tăng thêm chi phí, bác phân tích không nên. Bác nói cứ mỗi phát sinh là phụ huynh sẽ phải đóng thêm tiền.
Kết quả lớp có mâm cỗ đẹp đoạt giải ba toàn trường mà chỉ hết đúng 500 ngàn mua sắm nguyên vật liệu”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cũng dẫn chứng thêm, dịp con trai tốt nghiệp lớp 9, hầu hết các lớp đều tổ chức chụp ảnh kỷ yếu, tổ chức tiệc ở nhà hàng, tổ chức đi nghỉ dưỡng ở resort qua đêm, chi phí đóng góp lên 2-3 triệu bạc mỗi học sinh.
Riêng lớp con ông Minh, hội phụ huynh đề xuất chỉ chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên trường học để không tốn kém chi phí đi lại. Tiệc chia tay làm trong công viên Yên Sở theo phong cách dã ngoại giản dị.
“Tổ chức một sự kiện hoành tráng thì rất thích. Tôi cũng thích. Nhưng tôi muốn các con hiểu được rằng, khi ở trong tập thể, phải hạ tiêu chuẩn vật chất của mình xuống cho gần với thiểu số khó khăn, chứ không phải dùng tiêu chuẩn của số đông làm chân lý”, ông Minh bày tỏ.
Ông Minh khẳng định, người làm trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh có điều kiện kinh tế trung bình sẽ hiểu được cái khó của phụ huynh nghèo. Họ biết về mức thu nhập và mức chi tiêu phổ thông. Họ phân tích được đóng góp bao nhiêu thì các gia đình tham gia được đông đủ.
Phụ huynh tham gia cùng học sinh trong một hoạt động ngoại khóa làm tranh sơn mài (Ảnh: HH).
Ngược lại, nếu trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh là người có điều kiện kinh tế tốt, quen với mức tiêu dùng cao, sẽ đưa ra đề xuất không phù hợp.
“Đôi khi trong lớp chỉ có vài ba phụ huynh không có điều kiện kinh tế thôi. Họ có tự trọng nên không xin ai miễn giảm cả. Nếu phải đóng góp ở mức cao theo số đông, họ vẫn cố gắng được. Nhưng với tôi như thế là không hay.
Không nên để người nghèo phải kiễng chân với. Thay vào đó, người có điều kiện nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình xuống”, ông Minh nêu quan điểm.
Phụ huynh cần học cách nêu ý kiến thẳng thắn
Chị Trần Huyền Trang (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, sở dĩ chuyện chi tiêu của quỹ hội phụ huynh gây tranh cãi một phần do phụ huynh chưa có thói quen bày tỏ ý kiến công khai.
“Thông thường, các khoản đóng góp, thu chi cần được lấy ý kiến đa số. Trong quá trình lấy ý kiến, rất hiếm phụ huynh phản hồi. Sau đó, phụ huynh mang băn khoăn, thắc mắc của mình lên mạng xã hội để “tám” chuyện thay vì bày tỏ chính những băn khoăn ấy trong nội bộ phụ huynh lớp.
Người cần nghe thì không được nghe. Người không liên quan thì được bàn luận, thậm chí tùy ý vẽ nên chân dung méo mó của người mà họ không hề quen biết”, chị Trang nêu thực trạng.
Chị Trang khẳng định, các vấn đề tiêu cực về chủ đề hội phụ huynh, quỹ lớp, quỹ trường đều có thể giải quyết khi các bậc cha mẹ có thói quen đóng góp ý kiến trên tinh thần tích cực, xây dựng.
“Nếu cha mẹ không đồng tình với mức thu, mức chi, hãy chỉ ra những khoản mục chưa hợp lý, đề xuất một con số khác. Hội phụ huynh rất cần những ý kiến như thế.
Hội phụ huynh không phải một hội chuyên môn. Không có nghề làm Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Họ không tự nhận làm mà do chúng ta cử ra. Họ có quyền được biết nhu cầu, mong muốn của từng phụ huynh, cũng cần được các phụ huynh có hiểu biết và kinh nghiệm hơn hỗ trợ, chỉ ra những gì chưa đúng, chưa hợp lý để điều chỉnh. Cuối cùng là vì tất cả các con chúng ta”, chị Trang phân tích.
Trước câu hỏi có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không, chị Trang cho rằng tùy vào thực tế của mỗi trường, mỗi địa phương mà có câu trả lời.
Theo quan điểm của chị Trang, mô hình trường ngoài công lập không cần tới Ban đại diện cha mẹ học sinh do nhà trường có tài chính lẫn nhân sự phụ trách các hoạt động ngoại khóa của học sinh.
Tuy nhiên, trường công lập thiếu cả ngân sách lẫn nhân sự. Giáo viên và học sinh cần sự hỗ trợ tích cực của gia đình để làm phong phú các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
“Tuy nhiên, ban phụ huynh hoạt động có hiệu quả hay không thì các phụ huynh không thể vô can.
Một ban phụ huynh nhiều nhất chỉ có 5 người. Một lớp học bậc phổ thông trung bình có 45 học sinh với 90 phụ huynh. Đổ lỗi cho ban phụ huynh có thật sự đúng đắn hay là thói quen đổ lỗi của người Việt chúng ta?”, chị Trang đặt câu hỏi.