Sau một thời gian sử dụng, bạn nên vệ sinh lồng giặt để loại bỏ các cặn bẩn cũng như ngăn chặn nấm mốc phát triển. Để làm sạch máy giặt, bạn có thể áp dụng cách dưới đây.
Máy giặt, đặc biệt là kiểu máy giặt cửa trước rất dễ hình thành nấm mốc. Độ ẩm cao cùng với bụi bẩn và vi khuẩn từ quần áo khiến lồng giặt trở thành môi trường hoàn hảo cho đủ loại nấm mốc phát triển.
Để làm sạch máy giặt, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, bạn cần phải vệ sinh lồng giặt thường xuyên.
Hãy chuẩn bị một số dụng cụ để vệ sinh lồng giặt:
– Thuốc tẩy clo
– Khăn mềm
– Xô nhựa
– Bàn chải nhỏ lông mềm
– Găng tay cao su
Tháo lõi lọc cặn của máy
Bất cứ máy giặt nào cũng có có một phần lõi lọc với công dụng là lọc xơ vải, bụi bẩn… Sau một thời gian hoạt động, các chất bẩn sẽ tích tụ rất nhiều. Nếu không được loại bỏ, bộ lọc không thể lọc chất bẩn nữa và chất bẩn bị đẩy ngược trở lại lồng giặt rồi bám vào quần áo.
Do đó, thỉnh thoảng bạn nên tháo phần lưới lọc này ra để loại bỏ hết chất bẩn bên trong. Có thể dùng bàn chải để chà sạch phần lõi lọc.
Tùy theo loại máy mà phần lõi lọc có thể là dạng hộp hoặc dáng túi được lắp bên trong lồng giặt (đối với máy giặt cửa trên). Đối với máy giặt cửa trước, bộ phận lọc cặn bẩn này có thể được đặt ở góc dưới bên phải của máy, bạn cần phải mở phần nắp đậy bên ngoài vỏ máy mới thấy phần lõi lọc này (xem hình minh họa bên dưới).
Vệ sinh khay đựng xà phòng, nước xả
Đây là bộ phận bạn nên tháo ra vệ sinh thường xuyên nếu không cặn xà phòng, nước xả đọng lại lâu ngày cũng làm cho quần áo giặt không được sạch. Khay đựng chất tẩy rửa có thể được tháo ra khỏi máy một cách dễ dàng. Bạn chỉ cần tháo nó ra và dùng bàn chải cọ sạch các chất tẩy rửa bám lại là được.
Vệ sinh lồng giặt
Để làm sạch lồng giặt, bạn hãy đổ một cốc thuốc tẩy clo vào ngăn chứa nước giặt. Sau đó, chọn chế độ giặt thông thường với nước nóng hoặc chế độ vệ sinh máy giặt được lập trình sẵn trên máy. Lưu ý, không cho quần áo hay bất cứ món đồ nào vào lồng giặt.
Nếu không muốn sử dụng thuốc tẩy clo, bạn có thể dùng oxy già để thay thế. Ngoài ra, trên thị trường có bán rất nhiều loại bột, viên tẩy lồng giặt. Bạn cũng có thể sử dụng những sản phẩm này để làm sạch lồng giặt.
Sau khi chu trình làm sạch kết thúc, bạn có thể dùng khăn mềm thấm nước để lau lại máy một lần nữa.
Nếu phần gioăng cao su của máy giặt (thường xuất hiện ở máy giặt cửa trước) vẫn còn nấm mốc, bạn có thể pha loãng 1/4 cốc thuốc tẩy clo với 2 cốc nước. Nhúng cọ mềm vào dung dịch rồi chà trực tiếp lên các vết nấm mốc bám trên cao su. Lau chùi đến khi nấm mốc biến mất hoàn toàn. Khi thực hiện thao tác này, hãy mang găng tay cao su để bảo vệ da tay.
Sau đó, dùng khăn ẩm lau lại phần đã làm sạch các chất tẩy rửa còn sót lại. Cuối cùng dùng khăn khô để thấm hết nước.
Làm sạch vỏ máy
Dùng khăn để lâu các bộ phận bên ngoài máy. Lưu ý, khi thực hiện thao tác lau gioăng cao su và vỏ máy, hãy ngắt điện của thiết bị để đảm bảo an toàn.
Sau khi lau sạch trong và ngoài máy, bạn nên mở cừa máy giặt khoảng 1-2 tiếng để hơi nước bốc hơi, giúp lồng giặt khô ráo, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Một số lưu ý khi sử dụng máy giặt
Trong quá trình sử dụng, bạn không nên dùng quá nhiều bột giặt hay nước giặt. Nên dùng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sau mỗi lần giặt xong, bạn nên phơi quần áo càng sớm càng tốt và mở hé cửa máy giặt để không khí lưu thông, giúp lồng giặt được khô ráo.
Thường xuyên dùng khăn mềm lau khô phần đệm cao su và cửa trước của máy giặt để hạn chế hình thành nấm mốc.
Hàng tháng nên cho máy chạy chu trình làm sạch để loại bỏ các chất bẩn đọng lại trong lồng giặt.