Tôi không sợ mất của mà chỉ lo kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy trộm và ra tay với mẹ mình thì còn khổ hơn. Dù mang tiếng nhốt mẹ thật nhưng an toàn cho mẹ, chúng tôi yên tâm hơn.
Mỗi tháng chi từ 8 đến 15 triệu đồng để gửi bố, mẹ già vào trung tâm dưỡng lão. Nhiều đại gia sẵn sàng mua dịch vụ báo hiếu cha mẹ mình.
Con cái bận kinh doanh, mẹ khát khao vào viện dưỡng lão
Thương mẹ sớm tối nói chuyện với 4 bức tường, vợ chồng anh Trịnh Xuân Sinh (giám đốc một công ty thực phẩm, Long Biên, Hà Nội) quyết định gửi mẹ vào viện dưỡng lão để bà có thể vui tuổi già.
Bà Hậu, mẹ anh Sinh tâm sự bà ở nhà chỉ biết làm bạn với cái ti vi. Buổi tối, con cháu về nhà đủ nhưng ăn cơm xong thì ai lại vào phòng người đó làm việc khiến bà Hậu luôn cảm thấy cô đơn. Mấy tháng trước, bà đi họp hội người cao tuổi ở phường, bà nghe người ta nói đến chuyện vào viện dưỡng lão cho vui. Bà Hậu về nói chuyện xin con vào viện ở. Ở nhà cô đơn và buồn lắm. Nhìn xuống dưới sân thấy có bạn mà cũng không được xuống đó nói chuyện.
Gần 5 tháng bà sống trong viện, mỗi khi vào thăm bà, thấy bà đều vui vẻ, khoe với chúng có thêm nhiều người bạn con cháu bà mừng lắm. Đặc biệt, anh Sinh thấy bà khỏe hơn, da hồng hào hơn vì thường xuyên có thời gian đi lại, vận động trong khuôn viên của trại. Mỗi tháng, anh Sinh trả phí “báo hiếu” mẹ là 8 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi lần vào thăm anh mua thêm cho mẹ những hoa quả ngon và sữa… Anh cho thêm mẹ một ít tiền để bà có thể mua bán những thứ bà thích ngoài suất ăn tiêu chuẩn.
Mỗi tháng, vợ chồng anh Sinh chi từ 10 đến 12 triệu đồng để nuôi mẹ già. Với số tiền này, bà Hậu được hưởng dịch vụ trọn gói.
Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Công Cảnh (Ba Đình, Hà Nội) thì khác. Anh Cảnh và vợ là Việt kiều từ Đông Âu trở về nhà. Về nước anh chị mở công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Singapore. Bố anh Cảnh thời còn trẻ làm công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng về già cụ mắc bệnh đãng trí. Vốn không có người chăm sóc được bố, vợ chồng anh Cảnh gửi ông cụ vào trung tâm dưỡng lão.
Bố anh Cảnh rất khó tính, người giúp việc nào ông cũng chửi. Cho ông ăn xong, ông quên tưởng chưa ăn vậy là ông ngồi chửi đổng con cháu và đòi đuổi việc người giúp việc. Anh Cảnh nói người nào kiên trì cũng chỉ ở nhà anh làm được 3 tháng là họ không muốn ở nữa dù trả lương cao hơn họ cũng không làm. “Mình là con cháu còn không chịu nổi nữa là người ta” – anh Cảnh cho biết.
Nhiều gia đình dang băn khoăn về chữ hiếu khi đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão. Ảnh minh họa |
Cụ không muốn vào viện dưỡng lão nhưng anh bắt buộc phải gửi ông vào đó “không ai chăm được ông cả, vào viện dưỡng lão ông một mình một phòng và rất khó tính nhưng có vẻ ông sợ bác sĩ trong đó lắm nên gia đình yên tâm hơn” – anh Cảnh nói.
Từ ngày cụ vào trong trung tâm dưỡng lão, thi thoảng vợ chồng anh Cảnh mới đến thăm bố già một lần. Anh Cảnh chia sẻ kinh nghiệm sống nhiều năm ở nước ngoài. Việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là một cách chăm sóc bố mẹ hoàn thiện nhất. Mỗi lần đến thăm ông, anh thấy bố mình có bạn nói chuyện, chơi cờ và ngồi tám gẫu với người già. Anh cũng rất vui.
Còn anh Sinh chia sẻ từ ngày mẹ vào viện dưỡng lão anh yên tâm hơn. Công việc của vợ chồng anh bận bịu tối ngày nên anh chị không chăm sóc được mẹ. Hơn nữa, khi bà ở nhà anh không yên tâm giao chìa khóa nhà cho mẹ mình nên anh chị thường khóa cửa ngoài mỗi khi ra khỏi nhà. “Không phải chúng tôi sợ mẹ đi ra ngoài mà mẹ tôi đã 80 tuổi. Lúc trước ở nhà bên nội thành bà cũng bị mấy cô bán hàng đa cấp vào lừa mất tiền nên vợ chồng tôi không yên tâm. Tôi không sợ mất của mà chỉ lo kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy trộm và ra tay với mẹ mình thì còn khổ hơn. Bà vào viện dưỡng lão vui hơn mà không sợ ai lừa gạt cả.
Nhà giàu mới đủ tiền chi
Tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, tuy không có dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nhưng người già có thể vào bệnh viện này tạm trú một thời gian ngắn với mức chi phí cũng khá cao. Chỉ tính riêng tiền giường đã lên đến 400 – 1triệu/ngày. Nếu những gia đình nghèo không có tiền thì con cái có bận bịu đến đâu, nhà có chật chội họ cũng không thể báo hiếu bố mẹ chu đáo bằng người có tiền.
Hiện nay ở Hà Nội chỉ duy nhất có trung tâm dưỡng lão Thiên Đức – Từ Liêm, Hà Nội là hoạt động theo mô hình viện dưỡng lão. Còn các trung tâm bảo trợ khác thì do Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm công tác bảo trợ là chính.
Tham khảo qua bảng giá tại trung tâm dưỡng lão Thiên Đức nhiều người không khỏi giật mình vì mức chi phí mà họ đưa ra. Trung bình mỗi gia đình có một mẹ già hoặc cha già muốn gửi bố mẹ vào đây cũng mất từ 7 triệu đồng/tháng là gói thấp nhất có thể coi là tạm ăn ở được. Còn gói dịch vụ 5 triệu đồng thì các cụ chỉ được ở phòng quạt trần và dịch vụ vệ sinh chung với các phòng. Các cụ già tuổi đã cao hay lẫn cẫn nên nhiều gia đình cũng ngại khi gửi ông bà với gói cước thấp.
Trao đổi với chúng tôi, nhân viên của trung tâm Thiên Đức cho biết để làm hợp đồng ký 1 suất trong viện dưỡng lão này cũng rất đơn giản. Nếu trong trường hợp người già khỏe mạnh thì con cái chỉ cần mang chứng minh thư của người gửi và sổ hộ khẩu để làm hợp đồng và số tiền sẽ được thanh toán hàng tháng.
Bảng giá dịch vụ tại trung tâm Thiên Đức |
Đối với người bệnh có bệnh lý thì trung tâm sẽ phải kiểm tra sức khỏe trước và chi phí có thể tăng lên bởi tiền thuốc thang. Hàng tháng, trung tâm này sẽ ứng tiền mua thuốc cho người già trong đó và cuối tháng con cái đến thanh toán lại số tiền tạm ứng chi kia. Như thế, một người già sống trong trung tâm này cũng ngót ngét 10 triệu đồng/tháng.
Bệnh viện lão khoa Trung ương tuy không làm việc theo mô hình viện dưỡng lão, tại đây chỉ khám và điều trị ngắn hạn cho bệnh nhân lão khoa. Tuy nhiên, trong điều kiện bắt buộc bệnh viện cũng vẫn tiếp nhận bệnh nhân điều trị lâu dài nhưng chi phí cũng không ít. Trung bình mỗi giường bệnh loại thấp nhất cũng có giá từ 300 nghìn đồng trở lên. Thậm chí, có những phòng VIP hàng triệu đồng trong khi đó chưa kể đến các khoản chi phí thuốc thang khác.
Hiện nay, xu hướng đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão đang được xem cách báo hiếu toàn vẹn nhất. Bởi cha mẹ già ở nhà một mình, con cái đi làm việc chăm sóc không thể nào bằng các bác sĩ, y tế trong viện dưỡng lão. Hơn nữa, đối với những người già mắc bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp thì việc này được xem là cách khoa học.
Các bác sĩ, y tá sẽ có chế độ ăn khoa học dành cho người bệnh. Khi đau ốm thì được bác sĩ ngay cạnh chăm sóc, cấp cứu sẽ tốt hơn. Nếu bố mẹ già lang thang với 4 bức tường khi cơn đau tim, cao huyết áp hay các triệu chứng của bệnh người già tái phát cũng rất nguy hiểm vì không ai biết. Chính vì thế, cách báo hiếu hoàn hảo nhất dành cho bố mẹ già là gửi ông bà vào trong viện dưỡng lão để được chăm sóc tận tình, chu đáo. Nhưng xem ra, để báo hiếu được bố mẹ bằng phương pháp này chỉ áp dụng được cho nhà giàu.