Ngày tôi cưới vợ, nhiều người bóng gió, dèm pha cho rằng tôi “chuột sa chĩnh gạo”.
Bởi tôi xuất thân từ gia đình nghèo ở tỉnh lẻ, chỉ là một kỹ sư bình thường với mức thu nhập không cao, lại còn phải lo cho mẹ già. Còn vợ tôi là giám đốc chi nhánh một công ty, xuất thân trong gia đình giàu có.
Lúc mới quen biết nhau, tôi cũng hơi ngại, vì điều kiện hai người quá chênh lệch. Nhưng rồi qua thời gian, chúng tôi nhận ra mình yêu nhau, cần nhau. Cùng với việc vợ tôi luôn cố gắng xóa bỏ nỗi mặc cảm tự ti của tôi nên dần dần tôi cho rằng, tình yêu là quan trọng nhất, còn những yếu tố khác đều không quá quan trọng.
Sau khi cưới, vì vợ đã có một căn hộ chung cư riêng nên tạm thời chúng tôi về ở đó. Tôi tự nhủ sẽ làm việc chăm chỉ để có thể mua nhà do tiền mình làm ra. Dù tin vợ, biết vợ không tính toán gì, là đàn ông, tôi cũng có lòng tự tôn, tự trọng.
Tôi thật may mắn khi có một người vợ hiểu chuyện. (Ảnh minh họa: KBS).
Ngoài lo cho gia đình nhỏ của mình, tôi còn có mẹ ở quê. Ngày xưa mẹ tôi quá lứa lỡ thì, thương bố tôi gần nhà ốm đau bệnh tật, không ai lấy nên quyết định cùng bố gá nghĩa trăm năm.
Bố tôi mắc trọng bệnh qua đời khi tôi lên 7 tuổi. Mẹ làm đủ thứ việc từ chăn nuôi, trồng rau, hay bất cứ công việc nào có người thuê, để lo cho tôi ăn học bằng bạn bằng bè. Tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm, tôi có thể sống được ở thành phố là niềm tự hào vô bờ của mẹ.
Ngày chưa lấy vợ, tiền lương mỗi tháng tôi đều gửi về cho mẹ một phần để mẹ đỡ vất vả. Sau khi kết hôn, mẹ bảo tôi: “Từ nay con có gia đình riêng rồi, không cần gửi tiền về cho mẹ nữa. Mẹ một mình, vẫn còn khỏe, còn lao động được mà ăn uống chẳng đáng bao nhiêu. Con phải dành tiền sau này còn mua nhà, kẻo lại mang tiếng nhờ hết bên vợ”.
Thời gian đầu, tôi cũng nghĩ lương tôi thấp hơn lương vợ. Nếu gửi mẹ một phần như trước đây, một phần tôi chi tiêu cá nhân thì số tiền còn lại đưa vợ không còn bao nhiêu nữa. Vậy nên tôi nghe lời mẹ, chủ động đưa phần lớn lương cho vợ, chỉ giữ lại vài triệu cho chi tiêu cá nhân.
Nhưng đợt vừa rồi, nhân giỗ bố, hai vợ chồng tôi về quê. Nghe bác hàng xóm nói mẹ tôi từ ngày con trai lấy vợ phải đi làm nhiều hơn. Bác ấy nói “Ăn uống thì tiết kiệm, chả hiểu bà ấy sức đâu ra mà làm lắm thế”. Nghe xong tôi rất thương, nghĩ mình quá vô tâm, vô trách nhiệm.
Khi trở lại thành phố, vào kỳ nhận lương, tôi nói với vợ rằng tháng vừa rồi tôi có việc cần dùng đến tiền. Vợ tôi bảo “Anh cần cứ dùng, cần thêm nữa thì bảo em nhé”. Tôi gửi tiền về cho mẹ, còn cẩn thận nhắc mẹ rằng số tiền tôi gửi vợ tôi không biết.
Vậy mà vào hôm sau trong bữa cơm, vợ nhìn tôi rồi hỏi: “Hôm qua, anh gửi tiền cho bà nội à?”.
Tôi dừng đũa, ấp úng không biết nói thế nào. Tôi không biết vì sao vợ biết, nhưng tôi ngại nhất cảnh này. Chỉ sợ vợ nghĩ, tôi không tôn trọng vợ, không biết lo cho gia đình, tiền kiếm được chỉ lo giấu diếm cho mẹ.
– Hôm rồi về thấy mẹ ăn uống đạm bạc, gầy đi nhiều. Anh gửi biếu mẹ ít để mẹ tẩm bổ. Xin lỗi vì không nói với em.
– Không sao, anh lo cho mẹ là đúng mà. Cái này cũng là do em thiếu chu đáo. Từ tháng sau, vợ chồng mình sẽ trích một khoản biếu mẹ hàng tháng. Mẹ nhiều tuổi rồi, không nên lam lũ nữa. Giờ mẹ đang khỏe, quen sống cảnh bình yên với quê kiểng láng giềng thì cứ kệ mẹ. Sau này mẹ già yếu, không thể tự chăm sóc mình thì vợ chồng mình đón mẹ lên ở cùng, được không?
Tôi vốn đang chuẩn bị tinh thần xem vợ thể hiện thái độ khó chịu về việc tôi lén gửi tiền cho mẹ. Thế nhưng những lời vợ nói lại khiến tôi bất ngờ đến sững sờ.
Nói thật, tôi suýt rơi nước mắt vì xúc động trước tấm lòng của vợ. Cảm giác như kiếp trước tôi phải tu tốt lắm, kiếp này mới gặp được người phụ nữ hiểu chuyện như vậy.
Hóa ra là hôm qua, sau khi tôi chuyển khoản tiền nhờ đứa em họ gửi cho mẹ, lại thấy tôi dặn đừng để vợ biết, mẹ tôi liền gọi điện cho vợ tôi.
Mẹ tôi nói với cô ấy rằng: “Hôm nay thằng Dũng gửi cho mẹ tiền, nói là biếu mẹ. Hình như nó không nói cho con biết, sợ con nghĩ nọ nghĩ kia. Nhưng mẹ nghĩ các con đã là vợ chồng, tiền nó kiếm được cũng là tiền của con. Vợ chồng, dù là làm việc tốt, cũng nên rõ ràng. Mẹ không muốn cầm tiền của các con mà phải nghĩ ngợi”.
Vợ tôi kể xong liền nhìn tôi trách móc “Anh định biến em thành nàng dâu tệ trong mắt mẹ phải không?”.
Lúc nghe vợ tôi kể, tôi thật sự chỉ muốn khóc trong lòng. Sao mẹ tôi có thể “bán đứng” con trai mình như vậy chứ? Nhưng nhờ thế, tôi mới nhận ra mình vẫn chưa hiểu hết vợ mình, cũng chưa hiểu hết mẹ mình. Hai người phụ nữ tôi yêu, cuối cùng đều vì tôi mà đang cố gắng vun trồng một cái cây mang tên “hạnh phúc”.
Mẹ chồng bắt con dâu chăm chó, chồng xuất chiêu cứu vợ khỏi vất vả