Tôi đã vô cùng hốt hoảng khi nhận được thông báo của ngân hàng. Bởi bản thân không có khoản vay nào, cũng chẳng gửi tiết kiệm.
Ngày còn trẻ, tôi và chồng là bạn học cùng cấp 2. Hai đứa đều sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn, nơi gia đình chủ yếu làm nghề nông. Dù rất ấn tượng và có tình cảm với nhau từ những năm tháng ấy, nhưng chẳng ai đủ can đảm để bày tỏ. Thời gian trôi qua, mỗi người đi một hướng, cuộc sống cuốn chúng tôi vào những lo toan thường nhật. Thế nhưng, duyên số thật kỳ diệu. Nhiều năm sau, qua sự giới thiệu của gia đình, chúng tôi gặp lại và cuối cùng quyết định đến với nhau, nên duyên vợ chồng.Sau khi kết hôn, cuộc sống của tôi và chồng thật sự hạnh phúc. Chúng tôi sinh con, cùng nhau xây dựng một tổ ấm đầy tiếng cười. Những tưởng niềm vui sẽ kéo dài mãi, nhưng cuộc đời đôi khi không diễn ra như ta mong muốn. Ngày định mệnh ấy, tai nạn giao thông bất ngờ đã cướp chồng tôi. Nỗi đau mất chồng còn chưa nguôi ngoai, thì chỉ ít tháng sau, bố chồng tôi cũng qua đời vì thương nhớ con trai. Mẹ chồng tôi từ đó trở nên yếu đuối hơn, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày càng sa sút, liên tục đau ốm.
Tôi quyết định đón mẹ sang nhà mình để tiện bề chăm nom. Những tháng đầu, các chị vẫn gửi tiền hỗ trợ, nhưng rồi sau đó, số tiền ấy dần trở nên thưa thớt. Thấu hiểu hoàn cảnh tế nhị của gia đình, tôi cũng không đòi hỏi hay nhắc nhở. Một mình xoay xở, tôi làm thêm nhiều công việc nhỏ, từ bán hàng trên mạng đến nhận thêm việc làm ngoài giờ để có đủ chi phí trang trải cuộc sống và tiền thuốc men cho mẹ chồng.
Thời gian cứ thế trôi qua. Cuối năm ngoái, sau 13 năm chiến đấu với bệnh tật, mẹ chồng tôi qua đời. Sau khi lo liệu xong tang lễ, luật sư của gia đình đã hẹn gặp tôi và hai chị gái chồng để công bố di chúc. Theo lời luật sư, mẹ chia căn nhà ở quê cho chị lớn, khu vườn phía sau nhà cho chị thứ hai. Còn tôi và các con không có tên trong bản di chúc ấy. Tôi thoáng ngỡ ngàng, nhưng hiểu rằng mẹ không có nhiều tài sản để lại, chia cho các con ruột là điều hợp lý. Từ tận đáy lòng, tôi tôn trọng quyết định của mẹ và không oán trách hay đòi hỏi gì thêm.
Nhận tin bất ngờ từ ngân hàng
Vài ngày sau tang lễ, tôi nhận được một cuộc gọi từ ngân hàng, mời đến trụ sở để giải quyết một vấn đề. Tôi bất ngờ vì bản thân không có khoản tiết kiệm nào tại ngân hàng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, tôi vẫn đến gặp. Tại đây, nhân viên ngân hàng thông báo rằng tôi là người thụ hưởng một khoản tiết kiệm trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng, đã đáo hạn sau 15 năm. Tôi ngạc nhiên, vì hoàn toàn không biết về khoản tiền này.
Nhân viên ngân hàng giải thích rằng người đứng tên gửi tiền chính là mẹ chồng tôi. Khoản tiền này là một nửa số tiền đền bù mà bố mẹ chồng nhận được sau tai nạn của chồng tôi nhiều năm trước. Thời điểm đó, ông bà đã dùng một phần để mua nhà mới, phần còn lại gửi tiết kiệm với lời giải thích là để dưỡng già. Nhưng thực chất, mẹ đã dành số tiền này cho tôi và các con.Lúc này, tôi mới vỡ lẽ, dù trong di chúc mẹ không nhắc đến tôi, nhưng tình thương của mẹ lại được gửi gắm theo cách khác. Mẹ không để ai phải chịu thiệt thòi, dù là con ruột hay con dâu. Khi tôi chăm sóc mẹ, tôi chưa từng nghĩ đến việc được thừa kế hay nhận lại bất kỳ tài sản gì. Tôi làm vì muốn tròn chữ hiếu, vì tình thương dành cho mẹ chồng. Không ngờ, món quà mà mẹ để lại cho tôi lại lớn lao đến như vậy.
Nhờ khoản tiền này, tôi không phải lo lắng vay mượn cho năm học mới của các con. Con trai lớn của tôi sắp vào đại học, giờ đây có thể yên tâm chuẩn bị cho những ngày tháng học tập trên thành phố mà không lo thiếu thốn. Tôi cũng trích một phần tiền để sửa lại căn nhà đã xuống cấp sau nhiều năm. Cuộc sống của ba mẹ con giờ đã vững vàng hơn nhiều, nhờ khoản dự phòng quý giá mà mẹ chồng âm thầm để lại.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi cảm thấy biết ơn mẹ chồng vô cùng. Mẹ đã không chỉ chăm lo cho các con khi còn sống mà còn dành tình thương thầm lặng cho tôi, người con dâu mà mẹ yêu thương như con gái ruột. Những gì mẹ để lại không chỉ là số tiền, mà là cả một tấm lòng, một tình thương bao la mà tôi sẽ mãi không bao giờ quên.