Chuyên mục Khám phá giới thiệu bài Nữ nhà giáo 96 tuổi quyết tâm tuyệt thực suốt 4 ngày để “ra đi nhanh hơn”, để lại lời dạy cuối cùng đầy thấm thía cho các con đến các bạn đọc
“Cuộc đời, ngoại trừ sống và chết, mọi chuyện khác đều kém vài phần quan trọng”.
Có thể khi còn nhỏ bạn không hiểu được câu này nhưng khi lớn lên, bạn mới thấm thía. Đối mặt với cái chết, một số người sợ hãi và khó chịu, trong khi những người khác lại bình tĩnh đương đầu với nó.
Cũng như bà Trần Tư Khấu, vợ của nhà khoa học chính trị nổi tiếng và giáo sư Đại học Bắc Kinh Triệu Bảo Hú.
Bà Trần Tư Khấu
“Bình tĩnh chấp nhận mọi thứ mà cuộc sống ban tặng”
Trần Tư Khấu sinh năm 1921. Thời bấy giờ, nghèo khó, thiếu thốn cơm ăn, áo mặc là chuyện thường tình.
Khi bà mới 5 tuổi, mẹ qua đời sớm. Có lẽ do hoàn cảnh khó khăn, hoặc bị đè nén cảm giác mất mẹ và trọng nam khinh nữ nên từ nhỏ bà đã có ý chí kiên cường hơn các bạn cùng trang lứa.
Vào thời điểm nhiều cô gái phải lấy chồng sớm, ảnh hưởng bởi tư tưởng mới của phương Tây, Trần Tư Khấu đã thầm quyết tâm học tập chăm chỉ và dùng kiến thức để thay đổi vận mệnh.
Với sự kiên trì, bà đỗ vào ngôi trường hàng đầu Trung Quốc: Đại học Bắc Kinh. Tại đây, bà đã gặp được tình yêu của đời mình: Triệu Bảo Hú.
Hành trình thanh xuân của Triệu Bảo Hú còn gập ghềnh hơn Trần Tư Khấu. Cũng nhờ có sự đồng điệu trong tâm hồn, hai người đã nắm tay vượt qua những biến cố kinh khủng nhất của thời đại.
Trần Tư Khấu và Triệu Bảo Hú thời trẻ
Về sau, Trần Tư Khấu làm giáo viên tại một trường trung học trực thuộc Đại học Bắc Kinh. Triệu Bảo Hú ở lại Đại học Bắc Kinh để giảng dạy tại Khoa Khoa học Chính trị. Ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, trở thành một trong những người sáng lập Khoa Chính trị Mới của Đại học Bắc Kinh và là một trong những người sáng lập chính của khoa học chính trị Trung Quốc đương đại.
Một người dạy dỗ và giáo dục con người, người kia đóng góp quyền lực chính trị và cả hai đều có những cống hiến trọn đời cho xã hội.
Chớp mắt đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Năm 2012, ông Triệu Bảo Hú qua đời tại Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, thọ 90 tuổi. Người đồng hành đã ra đi, hẳn rằng không ai có thể ngăn được nỗi buồn triền miên. Trần Tư Khấu cũng vậy.
Hai người có với nhau ba người con. Họ đều muốn đón mẹ về chăm sóc. Tuy nhiên, trước ý tốt của các con, Trần Tư Khấu đã từ chối tất cả. Bà luôn mạnh mẽ và kiên cường, không muốn trở thành gánh nặng cho con.
Hầu hết người già đều sợ sống một mình, nhưng Trần Tư Khấu thì lại rất khác.
“Tôi có tay có chân, có thể tự chăm sóc mình, đầu óc không có vấn đề gì, không cần ai chăm sóc cả”.
Khi đã vượt qua được nỗi đau buồn trước cái chết của chồng, bà nhanh chóng trở lại trạng thái trước đây: Bình tĩnh chấp nhận mọi thứ mà cuộc sống ban tặng.
Vạch ra mục tiêu cuối đời
Ngay sau khi Triệu Bảo Hú qua đời vào năm 2012, một phóng viên đã hỏi Trần Tư Khấu: “Bà dự định trải qua những năm cuối đời như thế nào?”.
Theo quan điểm của Trần Tư Khấu, cuộc đời có nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn đều phải có mục tiêu.
Nếu mục tiêu của tuổi thơ là vui chơi, mục tiêu của tuổi trẻ là học tập, mục tiêu của tuổi trung niên là làm việc và nuôi sống gia đình, thì tại sao tuổi già cũng không thể có mục tiêu? Cuộc sống không có mục tiêu thật khó chịu và nhàm chán.
Trần Tư Khấu tin rằng người già nên có hai mục tiêu:
Đầu tiên, hãy cố gắng quên đi nỗi đau, sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.
Thứ hai, nên cố gắng “ra đi nhanh hơn” trong giai đoạn cuối đời, không chỉ giảm bớt nỗi đau của bản thân mà còn cố gắng không làm gánh nặng cho người khác.
Sau khi tìm được mục tiêu, Trần Tư Khấu bắt đầu thực hiện.
Mục tiêu đầu tiên, để giữ cho bản thân luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, mỗi sáng bà đều thức dậy vào lúc 6 giờ. Tiếp theo, bà luyện một số bài tập đơn giản ở nhà, sau đó ra ngoài mua đồ tạp hóa và nấu ăn.
Đừng bao giờ nhờ vả những việc mình có thể tự làm được trong cuộc sống, ngoài ra, cũng nên sở hữu đời sống giải trí phong phú để không bị cô đơn.
Ăn sáng xong, bà đọc sách, uống trà, xen kẽ với xem vài chương trình TV yêu thích. Thể là bà đã trải qua một ngày thật bận rộn. Các con sợ bà cô đơn nên thường xuyên gọi điện cho bà.
Trần Tư Khấu nói: “Ngày nào tôi cũng rất bận rộn và lịch trình dày đặc. Làm sao tôi có thể cô đơn được?”.
Bận rộn mang lại cảm giác thỏa mãn. Chỉ khi người già yêu đời mới cảm thấy hạnh phúc, nhiều bệnh tật nhỏ tự nhiên sẽ khỏi mà không cần chữa trị.
“Muốn ra đi nhanh hơn”
Về mục tiêu thứ hai, Trần Tư Khấu đã nói điều này từ lâu: “Thật ra, tôi đã sẵn sàng chết khi đã 70 tuổi. Con người sinh ra có tử, không có gì phải sợ cả”.
Người xưa sống được 70 tuổi là chuyện hiếm thấy, chưa kể cuộc đời này có rất nhiều yếu tố bất khả kháng. Theo bà, nếu có thể sống đến hơn 90 tuổi thì không còn gì phải sợ nữa.
Ngoài ra, khi già đi, nhiều người cao tuổi trở nên bận tâm và nắm giữ tiền bạc chặt chẽ hơn. Trần Tư Khấu đã làm ngược lại. Nếu có ai cần tiền, bà đều dang tay giúp đỡ không chút do dự.
Trần Tư Khấu nói: “Dù sao nhắm mắt xuôi tay cũng không thể mang theo. Thay vì chờ đợi thừa kế tài sản, tốt hơn hết là tôi nên làm nhiều nhất có thể khi còn sống”.
Có lẽ chính nhờ thái độ cởi mở và lạc quan với cuộc sống này mà bà đã có được sức khỏe tốt gần 40 năm sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55.
Trần Tư Khấu cũng thừa nhận rằng hầu hết người già đều hy vọng con cháu có thể về nhà thường xuyên vì họ cô đơn. Nhưng nếu muốn sống một cuộc sống tốt đẹp trong những năm cuối đời, bạn phải suy nghĩ cởi mở và học cách suy nghĩ từ quan điểm của người khác.
“Cô đơn là một lẽ thường tình trong cuộc sống, khi bạn nghĩ việc con cái đến thăm mình là niềm vui, bạn sẽ không bất mãn và thường cảm thấy cô đơn”.
Năm 2015, Trần Tư Khấu được phát hiện có khối u ở thận trái. Ba đứa con của bà và các bác sĩ đều đề nghị Trần Tư Khấu phẫu thuật nhưng bà không chấp nhận.
“Tôi đã 94 tuổi, thân thể không chịu nổi sự giày vò. Cho dù có cắt bỏ khối u, ai có thể đảm bảo rằng tôi sẽ không mắc các bệnh khác?”. Các con cảm thấy lời mẹ nói có lý nên đồng ý.
Tuy nhiên, từ chối phẫu thuật không có nghĩa là chờ chết, Trần Tư Khấu có phương pháp “chống bệnh tật” của riêng mình.
Bà bắt đầu đối với chế độ ăn uống. Ăn nhiều rau, đặc biệt là bông cải xanh và rau mùi. Điều đáng kinh ngạc là phương pháp này đã giúp bà “chung sống hòa bình” với khối u suốt 2 năm.
Trong thời gian này, bà không đến bệnh viện khám bệnh, cũng không quan tâm khối u trong cơ thể mình có to ra hay không. Cuộc sống thường ngày không khác gì trước đây, đến giờ phải dậy khỏi giường để mua đồ, như quên mất mình có bệnh trong người.
Cuối tháng 4/2017, Trần Tư Khấu đã 96 tuổi, nhiều căn bệnh liên tiếp ập đến. Đầu tiên là ung thư thận, sau đó là bệnh urê huyết và thiếu máu não.
Các con thuyết phục mẹ đến bệnh viện, nhưng bà nhất quyết không đi và chỉ tự xoa bóp chân ở nhà. Các con chỉ đành thuê bảo mẫu và thay phiên đến chăm sóc bà 24/24. Nhưng đây chính xác là “cuộc sống không có chất lượng” mà bà không mong muốn nhất.
Trần Tư Khấu nói với các con:
Thứ nhất, không thông báo cho nhà trường; thứ hai, không thông báo cho người thân, bạn bè; thứ ba, không cho ai đến thăm.
Bà hy vọng mình có thể đi nhanh hơn và cố gắng không liên lụy đến ai.
Ngày 17/10/2017, Trần Tư Khấu nhận ra rằng thời gian của mình không còn nhiều và bắt đầu nhịn ăn. Các con nấu những món mẹ thích nhưng bà gạt sang một bên và nhất quyết không ăn một miếng nào.
Con lo lắng khóc lóc, bà an ủi: “Người khổ ở đây là các con, không phải mẹ. Không cần khuyên can hay an ủi mẹ. Mẹ đi sớm một chút, các con cũng bớt dằn vặt”.
Kiên trì như vậy suốt bốn ngày, Trần Tư Khấu cuối cùng cũng yên tâm nhắm mắt.
Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, bà đã giữ vững phẩm giá của mình.
“Mẹ dạy học cả đời, đây là bài học cuối cùng mẹ dạy cho các con. Cái chết không đáng sợ. Điều đáng sợ là sống không có phẩm giá, sống kém phẩm chất”.
Theo bà, con người không thể được lựa chọn sự ra đời nhưng sẽ rất đáng buồn nếu không được quyền lựa chọn cách mình ra đi.