Nhà tuyển dụng đã phải vỗ tay và tán thưởng cho câu trả lời vô cùng thông minh của nam ứng viên trẻ tuổi này.
Tiểu Hoàng (Trung Quốc) vừa tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng với chuyên ngành yêu thích. Sau khi hoàn thành chương trình học và chính thức bước chân vào thị trường lao động, anh phải chật vật mất 2 tháng để tìm được môi trường làm việc ưng ý.
Trải qua vòng hồ sơ và bài kiểm tra kiến thức chuyên môn, vào cuối tuần trước, anh được mời đến tham gia vòng phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo của công ty. Ngày hôm đó, nam thanh niên dậy từ rất sớm, ăn mặc chỉn chu và có mặt tại địa điểm theo đúng lịch hẹn.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong một phòng họp lớn của công ty. Ngay khi bước vào, Tiểu Hoàng nhận thấy có đến 2 ứng viên nữa cũng tham gia vòng tuyển chọn này. Đúng 9h30 sáng, cuộc phỏng vấn bắt đầu.
Ảnh minh hoạ
Như các cuộc phỏng vấn thông thường, lần lượt ứng viên giới thiệu về bản thân, kế hoạch tương lai và những đóng góp cho công ty trong thời gian tới. Sau quá trình chia sẻ, tìm hiểu và cảm thấy khá hài lòng về cả 3 người, trong khi chỉ được tuyển 1 người, lãnh đạo công ty bất ngờ đưa ra một câu hỏi để thử thách các ứng viên: “Bạn nhặt được 60 NDT (khoảng 200.000 đồng) nhưng sếp nói mất 150 NDT (khoảng 500.000 đồng), bạn sẽ làm gì?”
Sau khi nghe câu hỏi này, Tiểu Hoàng khá bối rối. 2 ứng viên còn lại cũng tỏ ra bất ngờ. Bởi họ chưa hiểu câu hỏi này sẽ giúp ích gì cho công việc tương lai nhưng do đây là vòng phỏng vấn cuối cùng nên mọi người đều cố gắng suy nghĩ để đưa ra câu trả lời tốt nhất.
Sau khoảng 3 phút suy nghĩ, nhà tuyển dụng gọi ứng viên thứ 1 trả lời. Người này đáp: “Nếu tôi nhặt được 60 NDT nhưng sếp lại nói là 150 NDT. Tôi nghĩ rằng sếp đang cố tình gây khó dễ. Tôi sẽ chứng minh mình trong sạch đến cùng”.
Nghe xong câu trả lời này, vị sếp ra tín hiệu cho người thứ 2. Tuy nhiên, người này tỏ ra lúng túng và khẳng định rằng chắc chắn không có trường hợp này xảy ra. Nếu có, anh ta sẽ nhờ hỗ trợ kiểm tra camera gần đó.
Dường như 2 câu trả lời trên chưa đủ sức thuyết phục lãnh đạo công ty. Họ lại tiếp tục ra tín hiệu cho Tiểu Hoàng. Sau khi suy nghĩ vài giây, ứng viên này chậm rãi nói: “Nếu sếp nói mất 150 NDT trong khi tôi chỉ nhặt được 60 NDT. Tôi sẽ không đưa số tiền này cho sếp. Bởi vì chắc chắn đây không không phải số tiền mà sếp đang đánh mất”.
Sau khi nghe câu trả lời, nhà tuyển dụng lập tức vỗ tay và khen Tiểu Hoàng có cách xử lý tình huống vô cùng thông minh. Đồng thời, lãnh đạo công ty thông báo sẽ nhận anh vào làm kể từ ngày hôm sau.
Theo phân tích của nhà tuyển dụng này, đôi khi có một số trường hợp, bạn cần có cách tiếp cận vấn đề và hướng giải quyết mới thay vì mãi đi vào lối mòn. Khi đưa ra những câu hỏi lập dị này điều mà nhà tuyển dụng muốn hướng đến là xem cách phản ứng của bạn với những tình huống không dự tính trước. Bằng cách này, họ hy vọng sẽ thấy được tính cách và con người của bạn.
Ngày nay, tính cạnh tranh của thị trường tuyển dụng ngày càng cao. Các ứng viên không chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực đang làm việc mà còn sở hữu hàng loạt những điểm nổi nội khác. Vậy nên, bên cạnh các câu hỏi về trình độ học vấn, kinh nghiệm hay mức lương mong muốn, không ít nhà tuyển dụng đưa ra những câu hỏi để kiểm tra khả năng ăn nói hay trí thông minh cảm xúc của ứng viên.
Thông thường những câu hỏi này sẽ không có đáp án cụ thể. Bởi mỗi người sẽ có cách suy nghĩ và lập luận khác nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Song dù đối mặt với những câu hỏi thế nào, bạn nên trả lời một cách chân thành. Nếu bạn cố tình tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng câu trả lời sáo rỗng. Họ sẽ dễ dàng nhận ra và không đánh giá cao khả năng của bạn.