Để con cái tự lập mà bản thân vẫn an nhàn, hạnh phúc, người phụ nữ Trung Quốc này đã chọn cách nghỉ hưu 4 “không”.
Bài viết của tác giả Trần Lý Nhi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Bậc làm cha làm mẹ chắc chắn ai cũng mong muốn khi bản thân về già là lúc con cái có thể tự mình sống tốt. Tuy vậy, tôi từng chứng kiến không ít phụ huynh dù con đã trưởng thành nhưng vẫn lo lắng quá mức và tìm cách giúp đỡ con mọi lúc mọi nơi. Điều này khiến những đứa trẻ trở nên ngày càng phụ thuộc, thay vì tự lực vượt qua thử thách cuộc sống lại chỉ biết tìm đến bố mẹ. Vậy nên sau 65 tuổi, tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về những không nên làm để con cái tự lập, bản thân cũng tự đảm bảo hạnh phúc của mình tuổi xế chiều.
Không đưa hết tiền tiết kiệm để con mua nhà
Độc lập tài chính với con cái là điều tôi có thể thấy ở những người bạn già sống cuộc đời hưu trí hạnh phúc. Muốn làm được điều này, người cao tuổi cần có số tiền tiết kiệm có thể đủ lo cho cuộc sống hàng ngày cũng như phát sinh nếu mắc bệnh tật. Số tiền bạn nắm trong tay sẽ quyết định chất lượng cuộc sống khi về già của bạn, bất kể cách đối xử của con cái ra sao.
Khi con trai ngỏ ý muốn mua nhà, tôi chỉ cho con một số tiền vừa đủ còn lại giữ phòng thân. Tất nhiên trước đó tôi không bao giờ tiết lộ chính xác số tiền mình có, vấn đề tài chính có thể là “mầm mống” gây ra những bất hoà gia đình mà bạn không thể lường trước. Rắc rối liên quan đến tiền bạc và tình thân lại càng không thể giải quyết rõ ràng, vậy nên hãy chỉ hỗ trợ con cái trong mức bản thân có thể, đừng cố gắng quá sức dẫn đến nợ nần.
Không chuyển hẳn đến ở cùng con
Bên cạnh việc độc lập tài chính, tôi cũng biết bản thân mình và các con cần sống tách biệt. Các con đều đã có gia đình riêng, công việc cùng trăm ngàn những mối lo riêng trong cuộc sống. Tôi nghĩ người cao tuổi nếu vẫn còn sức khỏe tốt vẫn nên ở riêng.
Không phải vì tôi không muốn gần gũi con cháu mà bởi giữa người trẻ và bậc cha mẹ luôn tồn tại khoảng cách thế hệ, khác biệt trong suy nghĩ và cách sinh hoạt. Như vậy càng ở lâu càng dễ phát sinh mâu thuẫn. Giữ cho bản thân một căn nhà riêng giống như “chừa cho mình một đường lui”, nếu không sống chung với con cái vẫn có một nơi để đảm bảo.
Không chăm sóc cháu trong thời gian dài
Gia đình bà Trương hàng xóm các con đều quá bận rộn nên gửi cháu về quê cho bà nội chăm sóc. Việc này khiến bà Trương vừa có gánh nặng về tài chính khi không phải tháng nào các con cũng gửi tiền đều đặn, vừa áp lực khi đến tuổi già vẫn phải chịu trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Cháu gái bà Trương khi lớn hơn một chút được bố mẹ đón về nhưng chỉ nghe lời bà nội, hoàn toàn cảm thấy xa lạ với bố mẹ ruột mình.
Tôi cũng từng qua lại giữa nhà con trai và con cái để giúp vợ chồng các con chăm cháu. Nhưng đến khi các cháu vào Tiểu học và cứng cáp hơn, tôi bày tỏ mong muốn được nghỉ ngơi thay vì “luôn chân luôn tay” hỗ trợ các con. Cha mẹ mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy và sự giáo dục trực tiếp của cha mẹ sẽ giúp những đứa trẻ phát triển tốt hơn về mọi mặt.
Không giải quyết mâu thuẫn gia đình thay con
Mọi cuộc hôn nhân đều trải qua những giây phút hạnh phúc và cả những cuộc cãi vã khi mâu thuẫn phát sinh. Thay vì khuyên các con nên giải quyết một cách bình tĩnh và lắng nghe lẫn nhau, nhiều bậc phụ huynh lại can thiệp quá sâu vào câu chuyện gia đình của con cái, khiến chúng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đẩy mâu thuẫn ra quá xa không thể nào cứu vãn.
Vậy nên tôi học cách “làm ngơ” trước những mâu thuẫn vụn vặt của các con, nếu chúng cần lời khuyên tôi mới lên tiếng, không thiên vị hay tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa các con. Hãy là những bậc phụ huynh tỉnh táo vì gia đình các con hoà thuận, hạnh phúc thì bản thân mình mới an nhàn nghỉ hưu.