Khi nói về sự nghiệp “trồng người” của mình, thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ: “Tôi không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm, học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Tôi là nhà giáo của nhân dân”.
Cơn bão số 3 đi qua, để lại thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc nước ta. Làng Nủ trở thành nơi cả nước hướng về, dành nhiều sự sẻ chia, động viên vì sự mất mát quá lớn. Theo dõi và nắm được tình hình đó, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang đã quyết định nhận nuôi tất cả các trẻ em may mắn sống sót ở Làng Nủ đến năm 18 tuổi. Thông tin này được báo Thanh Niên chia sẻ và ngay lập tức khiến dư luận xúc động.
Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie nhận nuôi các bé sống sót sau trận lũ quét Làng Nủ đến năm 18 tuổi. Ảnh: Internet
Được biết, thầy Nguyễn Xuân Khang và trường Marie Curie sẽ nhận cấp dưỡng cho các em nhỏ Làng Nủ ăn học bằng cách cấp 3 triệu đồng/cháu/tháng, cho đến khi các em được 18 tuổi. Số tiền đó sẽ được chuyển trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu các em.
Cũng từ sự việc này, cư dân mạng bắt đầu xôn xao truy tìm thân thế của thầy Nguyễn Xuân Khang. Cụm từ khóa “thầy Nguyễn Xuân Khang là ai?” xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie. Ảnh: Thanh Hùng
Thầy Nguyễn Xuân Khang sinh năm 1949, là Hiệu trưởng Trường Marie Curie. Ở trường Marie Curie, ông có biệt danh rất đặc biệt: “Ông nội”. Cách gọi này xuất phát từ tuổi tác khá cao của thầy, đồng thời còn bởi sự gần gũi, quan tâm mà thầy dành cho các học sinh, xem họ như con cháu trong nhà.
Trong quá trình lãnh đạo, điều hành trường Marie Curie, thầy Khang đã đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Thầy vận động, đi đầu trong những hoạt động nhân ái, thiện nguyện. Thầy không ngại đổi mới, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại vào dạy và học.
Năm 2022, thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong 10 cá nhân tiêu biểu vinh dự nhận được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Ảnh: Internet
Thầy Nguyễn Xuân Khang quê ở Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên ở Việt Nam vào những năm 1965. Năm 1968, thầy học Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội và là lớp phó của lớp học 275 người. Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh khiến sĩ số lớp khi tốt nghiệp chỉ còn lại 70 người. Thầy Khang vì bị bệnh ở mắt, sức khỏe không đủ điều kiện nên ngày ấy không được ra chiến trường mà ở lại trường dạy học.
Thầy Khang chính là thầy dạy Vật lý của GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Internet
Có thể nhiều người không biết, thầy Nguyễn Xuân Khang chính là thầy của lứa học sinh đạt Olympic Toán học Quốc tế đời đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu… Lớp thầy làm chủ nhiệm có 25 em thì đến 24 em đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học nước ngoài.
Thầy Nguyễn Xuân Khang xúc động trong buổi lễ chia tay học sinh cuối năm học 2023-2024 hôm 29/5 vừa qua. Ảnh minh họa: NTCC
Nói đến thầy Khang không thể không kể về những dự án mà ông phát động, chung tay góp sức. Đầu năm 2024, thầy và Trường Marie Curie đã chi 100 tỷ đồng xây trường phổ thông dân tộc cho học sinh ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Trước đó, vào năm 2022, Trường Marie Curie đã tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc, duy trì đến khi các em học hết tiểu học. Năm 2023, thầy Khang chi 6 – 12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên ở Mèo Vạc đi học đại học ngành tiếng Anh.
Năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học tránh dịch nhưng giáo viên trường Marie Curie vẫn được hưởng nguyên lương và nhận sớm hơn mọi tháng. Thầy Khang còn không thu bất cứ khoản phí nào trong thời gian học sinh không đến trường, kể cả việc học online.
Còn trong thời gian gần đây, hướng đến đồng bào bị bão lũ, thầy Khang cùng tập thể giáo viên, học sinh Trường Marie Curie đã gom tiền tiết kiệm, cùng gia đình làm lạc rang muối vừng, ruốc bông, quyên góp nhu yếu phẩm, viết lời nhắn nhủ động viên gửi đến bà con.
Khi nói về bản thân, thầy Khang từng tự hào chia sẻ: “Thầy không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm, học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Thầy là nhà giáo của nhân dân. Nói đến nhà giáo người ta thường nhắc đến chữ nghèo với câu nói “giáo án” là “dán áo”. Nhưng thầy không nghèo, cơ sở vật chất trường như vậy thầy không thể nghèo được. Và thầy tuy không phải là đại gia, không phải là tỷ phú top 5 Việt Nam nhưng thầy chắc chắn là top 5 người giàu nhất về tinh thần”.