Sau nhiều năm chăm sóc bố mẹ chu đáo, người đàn ông Trung Quốc nhận ra bản thân vẫn không nhận được sự công nhận như em trai.
Con trai cả hết lòng nhưng không được coi trọng
Trình Lâm là anh cả trong gia đình 3 con tại một vùng nông thôn ở Trung Quốc. Trình Lâm lớn hơn các em nhiều tuổi nên anh giống trụ cột thứ 2 bên cạnh bố mẹ, trưởng thành hơn tuổi để chăm sóc các em. Thời còn đi học Trình Lâm học rất giỏi nhưng anh chấp nhận không học đại học, đi làm luôn kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho em trai và em gái.
Mãi đến khi cả 2 người em kết hôn, Trình Lâm mới được mai mối với một cô gái làng bên. Anh vẫn sống gần bố mẹ, hàng tháng đều chu cấp sinh hoạt phí dù điều kiện cũng không quá dư dả. Trong khi đó em trai và em gái đều ở lại thành phố, chỉ về nhà vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ cùng chút tiền biếu bố mẹ. Vậy nên trong mắt hàng xóm và họ hàng thì anh cả là người hiếu thuận nhất gia đình họ Trình.
Thế nhưng bố mẹ lại không dành quá nhiều tình cảm cho Trình Lâm, một phần vì do anh và vợ đều không có học thức cao như vợ chồng em trai. Trong mắt ông bà Trình, những việc Trình Lâm làm chỉ là trách nhiệm người con cả, không có gì đáng cảm ơn hay khen ngợi trước mặt người ngoài.
Thay vào đó họ chỉ hồ hởi khoe về phong bao hay quà mà con trai thứ đem về, ấp ủ ý định sẽ lên thành phố dưỡng già với gia đình người con thứ 2.
Sự thiên vị chia rẽ gia đình
Cách đây 12 năm, cha của Trình Lâm bị nhồi máu não, đi lại khó khăn còn mẹ lại viêm khớp cần người chăm sóc. Nhiều người khuyên ông bà Trình nên lên thành phố để có điều kiện y tế tốt nhất nhưng con trai thứ lại nhất quyết từ chối với lý do bận công việc, nhà nhỏ không tiện, con cái phải học hành…
Thấy vậy nên Trình Lâm quyết định đón bố mẹ về nhà mình để tiện chăm sóc. Vừa làm trụ cột kinh tế gia đình nhỏ anh vừa lo cho bố mẹ từng bữa cơm, từng lần đi khám bệnh mà không than vãn nửa lời. Dù bận rộn đến đâu vợ chồng Trình Lâm vẫn sắp xếp thay phiên nhau ở nhà với ông bà Trình, vậy nên suốt hơn chục năm họ chưa từng có kỳ nghỉ hay đi du lịch với nhau.
Cho đến gần đây bố vợ Trình Lâm ở làng bên bị tai nạn khá nặng, vợ chồng anh vội vàng chạy sang. Cả ngày dài chạy đôn chạy đáo mệt mỏi, đến tối muộn vợ ở lại, còn anh Trình trở về nhà. Bố mẹ ngay lập tức trách móc Trình Lâm không quan tâm đến họ chỉ mải lo cho việc nhà vợ, đi vội nên chẳng lo cơm nước chu đáo cho họ.
Anh Trình giải thích nhà vợ xảy ra chuyện anh cũng có trách nhiệm nhưng nhiều ngày sau đó bà Trình vẫn phàn nàn con cả đối xử không tốt. Cụ bà đem đôi giày người con thứ mới tặng ra khoe, cho rằng tặng quà đắt tiền mới là hiếu thuận.
Đến lúc này Trình Lâm vô cùng giận dữ và thất vọng khi nhận ra những cố gắng nhiều năm qua của vợ chồng anh trong mắt bố mẹ vẫn không thể bằng món quà vật chất mà em trai biếu tặng. Anh Trình nói: “Nếu mẹ chỉ thấy em trai hiếu thảo, để con gọi em về chăm sóc bố mẹ còn con không thể tiếp tục làm việc này nữa”, sau đó thu dọn hành lý sang thẳng nhà vợ.
Ông bà Trình bất ngờ vì đây là lần đầu tiên Trình Lâm hiền lành lại lớn tiếng như vậy. Thế nhưng họ vẫn chẳng lo lắng vì nghĩ con trai cả giận dỗi vài hôm, con trai thứ sẽ đón bố mẹ lên thành phố. Kết quả là người con thứ lại lấy lý do công việc bận rộn, hời hợt nói sẽ bỏ tiền thuê người giúp việc ở quê.
Lúc này ông bà Trình mới hoảng hốt nhưng dù gọi điện thoại nhiều cuộc, Trình Lâm vẫn chưa muốn trở về. Anh cảm thấy bản thân cần có khoảng thời gian sống cho chính mình và gia đình nhỏ sau nhiều năm bị tổn thương, ấm ức vì sự thiên vị của bố mẹ.