Không thể nhẫn nhịn được hơn, Nhung mỉm cười đáp lại mẹ chồng: “Dạ, tất nhiên người ngoài không thể bằng người thân ruột thịt nên vợ chồng con mới nhờ bà trông cháu”.
Vẫn biết mẹ chồng tính toán so đo, nhưng Nhung không thể tin nổi đến trông cháu giúp con dâu bà cũng muốn quy thành tiền. Bức xúc dồn nén bao lâu như nổ bùng trong khoảnh khắc ấy, không nhẫn nhịn được hơn, cô quyết định phản bác lại mẹ chồng. Ai ngờ cục diện lại được thay đổi từ đó.
Nhung kể, sau khi kết hôn dù đủ điều kiện mua nhà ra ở riêng nhưng Phong – chồng cô vẫn cố thuyết phục vợ để 2 người ở chung với gia đình nhà chồng cho tình cảm. Bởi bố mẹ anh chỉ có 2 người con, em gái Phong đã định cư bên nước ngoài, thi thoảng mới về thăm gia đình vài ngày lại đi ngay. Nếu giờ vợ chồng cô cũng ra ở riêng nữa thì bố mẹ anh phải ở một mình trong căn nhà 5 tầng sẽ rất trống trải.
Hiểu cho suy nghĩ của chồng, Nhung đành vui vẻ chấp nhận sống chung với mẹ chồng, mặc dù trong lòng cô không hề muốn.
Bố mẹ Phong đều là cán bộ nghỉ hưu. Bố anh vui tính, sống hòa đồng. Ngược lại mẹ Phong là người tính toán chi li. Ở với vợ chồng Nhung, ông bà hầu như không phải bỏ ra bất cứ một khoản chi tiêu nào mặc dù lương hưu của hai người cộng lại cũng hơn 10 triệu. Đấy là còn chưa kể, thi thoảng em gái Phong lại gửi vào tài khoản biếu bố mẹ vài ba chục triệu.
Ảnh minh họa
Tiền ông bà có sẵn như vậy, nhưng khi vợ chồng cô nâng cấp lại đồ nội thất trong nhà bị thiếu mất hơn trăm triệu, bí quá chưa xoay được tiền 2 người đành lên hỏi vay tạm mẹ chồng vài tháng. Thế mà bà lắc đầu xua tay bảo luôn: “Nhà anh chị sửa anh chị ở, chúng tôi già rồi, ở được mấy nữa mà đòi tiền chúng tôi. Vay biết khi nào trả được”.
Bà nhất định không cho các con vay, sau Nhung phải về ngoại lấy tiền của bố mẹ để bù vào.
Thời gian đầu chưa quen, Nhung thấy chạnh lòng trước cách hành xử “lạ” của mẹ chồng lắm. Sau Nhung nghĩ thôi thì mỗi người một tính một nết, miễn cô cứ sống hết lòng, còn bà cư xử ra sao cô cũng kệ.
Rồi Nhung sinh con đầu lòng, vì thằng nhỏ sinh non, sức đề kháng kém nên cô phải nghỉ việc không lương tròn 1 năm để chăm cho nó cứng cáp mới dám đi làm trở lại.
Ban đầu Nhung tính thuê giúp việc nhưng Phong gàn vì anh không yên tâm giao con cho người ngoài. Anh bàn với cô xuống nhờ mẹ chăm hộ, bà nghỉ hưu rảnh rỗi chắc sẽ giúp. Tối đó cho con ngủ xong, vợ chồng Nhung dẫn nhau xuống phòng bố mẹ nói chuyện. Nghe con dâu nói, mẹ Phong ngồi gật gù. Nhung đoán bà sẽ đồng ý giúp thôi vì thường ngày bà cũng tỏ ra quấn cháu lắm.
Ai ngờ, con dâu vừa nói xong, bà liền bảo: “Để mẹ trông con Hĩn cũng được. Nhưng hàng tháng các con phải trả mẹ 5 triệu tiền trông cháu theo đúng giá thị trường. Mẹ đang nhàn chân nhàn tay, tự do đi lại khắp nơi. Giờ trông nó coi như mẹ bị cùm chân một chỗ thì đổi lại mẹ phải nhận được tiền công. Giá như thế là con rẻ, chứ thuê người ngoài có khi đắt hơn mà còn chẳng yên tâm được”.
Nhung kể, nghe mẹ chồng nói mà cô choáng hẳn. Thật sự cô không thể hiểu vì sao bà lại có thể tính toán chi li, hơn thiệt như vậy với chính con đẻ, cháu ruột của mình. Lúc trước cô sinh bà đã không đỡ đần gì mấy, giờ nhờ trông cháu bà lại quy ra tiền. Mà có phải bà túng thiếu gì cho cam.
Ảnh minh họa
Không thể nhẫn nhịn được hơn, Nhung mỉm cười đáp lại mẹ chồng: “Dạ, tất nhiên người ngoài không thể bằng người thân ruột thịt nên vợ chồng con mới nhờ bà trông cháu. Việc trả mẹ 5 triệu một tháng chúng con không ngại, có điều làm như vậy con thật sự thấy tình cảm gia đình có vẻ xa cách quá.
Người ta bảo ‘trẻ cậy cha, già cậy con’, giờ mẹ còn khỏe vợ chồng con mới nhờ chăm cháu giúp để chúng con yên tâm đi làm mà mẹ lại bảo phải tính công như người ngoài. Vậy sau này mẹ về già ốm đau nằm đấy, đương nhiên trách nhiệm chăm sóc bố mẹ là của chúng con. Mẹ nghĩ sao nếu lúc ấy con cũng bảo mẹ trả công con như trả người ngoài?”.
Mẹ Phong nghe con dâu nói thế đỏ mặt không nói gì. Bố Phong ngồi bên gằn giọng: “Con dâu nói đúng đó. Bà đừng có kiểu tính toán với cả các con mình như vậy. Chăm cháu mình chứ chăm ai mà bà đòi tiền công. Bà nói thế không sợ người ngoài nghe thấy người ta cười cho mất mặt hả?”.
Đến đây thì mẹ chồng Nhung mới vỡ lẽ, tuy bà không nói thêm với con dâu lời nào nữa nhưng hôm sau biết Nhung chuẩn bị đi làm, bà chủ động lên phòng sớm đón cháu đi chơi để con bé đỡ khóc theo mẹ. Đó cũng chỉ là lần mà Nhung chính thức lên tiếng, chứ tất nhiên cô không để bà thiệt. Chẳng đưa đủ 5 triệu/ tháng thì cũng 3, 4 triệu kèm quà cáp không kể hết. Cái cô muốn là bà biết con dâu đối xử với mẹ chồng thế nào mà bà bớt thành kiến với Nhung hơn.
Nhung kể, từ bận ấy mẹ Phong nghe vẻ cũng đỡ tính toán với các con hơn, quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ đó được cải thiện, tình cảm gia đình vì thế cũng ấm cúng hơn rất nhiều.