Nhiều người ngày nay có quan điểm: ‘Không cần học giỏi, chỉ cần kiếm tiền giỏi’: Đúng hay không

Có lẽ xung quanh chúng ta, rất nhiều người có quan điểm này. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp ở đâu đó, một ai đó nói rằng: ‘Học nhiều để làm gì, miễn sau này kiếm được nhiều tiền là được’, hoặc ‘nhiều người học dốt mà kiếm tiền giỏi còn hơn học giỏi mà không biết kiếm tiền’.

Nói chung, dù được thể hiện bằng câu nói nào thì vấn đề ở đây là quan điểm mang lên bàn cân so sánh giữa việc học giỏi và việc kiếm tiền. Theo đó, mọi người cho rằng, kiếm tiền là việc quan trọng hơn.

Cách đây không lâu, tôi từng đọc được một bức thư nổi tiếng của một người bố gửi con gái trước khi vào đại học. Nội dung thư khá dài nhưng trong đó người bố có nói cho con gái hiểu vì sao cần phải học.

Cụ thể, người bố đã viết: ‘Không ít người khẳng định “học nhiều không bằng kiếm tiền giỏi”, nhưng điều đó chỉ đến từ những cá nhân đơn lẻ, không đại diện cho một thế hệ. Đâu phải học chỉ để làm giàu hay kiếm nhiều tiền. Chúng ta học để có tư duy tốt hơn, học để có thêm kiến thức và để trở thành người văn minh mới.

Con không thể chỉ lấy tiền làm tiêu chí cho mọi việc sau này, bởi vẻ ngoài sẽ tương thích với lượng trí tuệ con có. Kiến thức sẽ quyết định tính khí, sở thích, tầm nhìn, giá trị của một người… Đây đều là những yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con. Con hãy luôn nhớ, dù ở xã hội nào, người có học cũng luôn được coi trọng’.

Giá trị của cuộc sống, giá trị của một con người không chỉ được đo bằng việc họ kiếm ra bao nhiêu tiền, ảnh minh họa: dSD

Thực tế, không phải ai cũng có tình yêu với sự học lớn lao như vậy. Nhiều người học đại học chỉ để lấy cái bằng rồi chỉ mong mau chóng ra đi làm kiếm tiền. Với họ, thành công của một người được quyết định trên số tiền người đó có thể kiếm được. Liệu thực tế có đúng như vậy không. Nếu mọi người nhìn rộng ra sẽ thấy rõ nhưng điều sau!

Thứ nhất, việc học để nâng cao kiến thức, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân là điều mà những người đam mê học, xem trọng tri thức luôn mong muốn. “Học, học nữa, học mãi” chính là như vậy. Với những người như vậy, học không bao giờ là đủ, thậm chí càng học họ càng thấy mình kém cỏi.

Nếu bạn có điều kiện (tài chính và tố chất) để học cao lên cao, thì tôi nghĩ bạn cứ nên tiếp tục với sự lựa chọn của mình, không việc gì phải quan tâm đến những lời đánh giá của người khác. Những người đang chỉ trích bạn “học nhiều mà không biết kiếm tiền” đơn giản là vì họ không đứng ở lập trường, tư tưởng của bạn. Những người đó quan trọng tiền bạc hơn kiến thức nên không thể hiểu được trí hướng của những người ham học.

Ở đây, chúng ta phải hiểu rõ một thực tế là học càng cao, càng chuyên sâu, bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, cũng có thể không. Chẳng có gì đảm bảo học càng nhiều thì càng giỏi kiếm tiền cả. Có rất nhiều người không được học hành tử tế mà vẫn có thể vươn lên làm chủ, kiếm nhiều tiền. Nhưng xét cho cùng, tiền nhiều để làm gì, mỗi ngày bạn cũng chỉ ăn có ba bữa thôi phải không?

Đương nhiên, có nhiều tiền thì cuộc sống của bạn sẽ thoải mái hơn, tiêu pha không phải đắn đo, lo nghĩ. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc chạy theo đồng tiền một cách mù quáng, đến độ xem thường học vấn và những người học cao.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mỗi người có một quan điểm sống riêng: có người cần nhiều tiền, cũng có người cần tri thức. Đây hoàn toàn là hai con đường khác nhau, đúng với người này nhưng chưa chắc đúng với người khác.

Thế nên, chúng ta nên tôn trọng suy nghĩ của mỗi người thay vì chỉ trích, chê bai ai đó khác mình. Mỗi con người sinh ra vốn đã khác nhau, do đó nhận thức, hành động, suy nghĩ… tất cả đều không thể giống nhau. Chấp nhận sự khác biệt cũng là một cách để bạn học cách tôn trọng quan điểm của những người xung quanh.

Thứ hai, cơ chế chính sách ở mỗi quốc gia mỗi khác biệt. Có xã hội trọng người tài, người có năng lực thực sự, cũng có xã hội trọng bằng cấp. Ở nước ta thế nào là tùy vào suy nghĩ của các bạn, tôi không dám khẳng định điều gì. Nhưng mà, một điều không thể sai là dù ở xã hội nào thì cũng luôn coi trọng người có học.

“Học cao, học nhiều, bạn chưa chắc đã làm tốt”, đó là quan điểm của những người thực dụng. Đối với họ, học đến thế là quả đủ để kiếm tiền rồi. Nhưng nếu không học, học ít thì có gì đảm bảo là bạn sẽ làm tốt không? Tôi nghĩ có nhưng số này không nhiều trong xã hội.

Bạn học cao nhưng chỉ kiếm được ít tiền. Nhưng những người kiếm tiền giỏi liệu có thực sự vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống của họ không? Hay lúc có nhiều tiền, họ lại muốn đầu tư cho học vấn, kiến thức của bản thân, để không bị trở nên lạc hậu, lỗi thời?

Tóm lại, học cao hay thấp, tiền nhiều tiền ít không quan trọng. Mỗi người một quan điểm, không cần bận tâm đến suy nghĩ của người khác cho mệt thân. Người ta sẽ không sống thay bạn được nên cứ làm điều mình thích và cho là đúng.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *