Người điều khiển xe máy bỏ lại phương tiện khi bị CSGT dừng xe, chủ phương tiện muốn nhận lại thì phải đến đâu, làm thủ tục gì?
Hỏi:
Con trai tôi điều khiển xe máy không đội MBH, bị CSGT tuýt còi yêu cầu dừng xe, cháu sợ quá bỏ xe lại rồi ra về. Đến chiều, gia đình hỏi xe máy đâu, cháu mới nói cho biết sự việc. Cháu vừa mới thi GPLX, 1 tuần nữa mới đến hẹn lấy. Vậy trong trường hợp này, chúng tôi phải làm thế nào để lấy xe máy về?
Trần Văn Hòa (Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Luật GTĐB quy định, người điều khiển phương tiện phải có đầy đủ các loại giấy tờ, trong đó có GPLX.
Đối với tình huống hỏi trên, con bạn không đội MBH bị CSGT dừng xe kiểm tra. Có thể do sợ phạt chưa có GPLX, không đội MBH hay vì lý do gì đó, con bạn đã bỏ lại xe máy rồi rời khỏi hiện trường.
Lúc này, tổ công tác CSGT sẽ tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiên, đồng thời mời người làm chứng chứng kiến vụ việc kí vào biên bản và viết biên bản để báo cáo vụ việc với thủ trưởng đơn vị về toàn bộ diễn biến vụ việc.
Muốn giải quyết vi phạm, con bạn phải đến trụ sở CSGT địa bàn nơi mình bỏ xe lại rồi trình bày với cán bộ xử lý về vụ việc xảy ra trước đó, rồi làm các thủ tục hành chính để giải quyết vi phạm.
Con bạn đã thi GPLX, tức đã 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm với vi phạm của mình.
Với hành vi vi phạm trên, mặc dù con bạn đã thi đỗ GPLX, nhưng tuần sau mới lấy GPLX về thì vẫn vi phạm lỗi không có GPLX ở thời điểm điều khiển xe máy. Đồng thời, con bạn sẽ bị phạt lỗi không đội MBH.
Với hai lỗi trên, con bạn sẽ bị phạt tiền khoảng 1.250.000 đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo quy định của Nghị định số 100.