Tằm lá sắn Đông Paulo team châu Phi xách tay trứng tằm từ Việt Nam sang, với hy vọng nhân được giống, nuôi làm thực phẩm. Ấy vậy mà khi sắp được thu hoạch bỗng gặp biến cố điêu đứng hàng loạt.
Được coi là “người mộng mơ”, “kẻ ưa mạo hiểm” trong team châu Phi, Đông Paulo liên tục thử nghiệm, tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi từ Việt Nam mang sang Angola nuôi trồng. Trong quan niệm của anh, quá trình thử nghiệm sẽ đem lại kiến thức, kinh nghiệm về mùa vụ, thổ nhưỡng, gia tăng hiểu biết quý giá.
Vài tháng trước, Đông Paulo đã thử nghiệm nuôi tằm lá sắn Việt Nam. Ý tưởng nảy ra khi trang trại của anh trồng thành công sắn bở, củ để người ăn, lá bỏ đi thì… tiếc rẻ.
Có kinh nghiệm làm tằm ăn dâu hồi còn ở quê Thái Bình, Đông Paulo khá tự tin. Anh hy vọng có thể nuôi tằm lá sắn làm thực phẩm. Thậm chí, ông chủ trang trại còn mong tằm có thể đẻ trứng, nhân giống tự nhiên để nuôi lâu dài.
Với những anh em người Việt đang làm việc ở trang trại, ăn tằm mang giống từ Việt Nam sang không chỉ thỏa cơn thèm, mà còn khiến họ rưng rưng xúc động.
Đông Paulo đã rất hí hửng, tưởng chừng mình sẽ thu hoạch được hết mấy chục nong tằm đang nuôi. Một số con đã đóng kén khiến anh càng tin mình có thể chủ động nhân giống.
Có một biến số mà Đông Paulo không lường trước được: Đầu thì xuôi nhưng đuôi không lọt. 2 ngày sau khi anh nhặt ra những con tằm lá sắn chín để đãi mọi người, đám tằm còn lại bỗng dưng đổ bệnh.
Vào đúng thời điểm chín gần hết, sắp được thu hoạch, tằm ở trang trại lại thi nhau đổ dần màu đen, uể oải như bị ốm rồi c.hết. Chúng tự bị nhão, vỡ nát rồi lây sang những con tằm khỏe mạnh.
Đông Paulo cùng những người phụ trách chăm sóc đám tằm bị sốc. Họ cho biết đã che đậy tằm rất cẩn thận, lá sắn hái vào cho tằm ăn cũng sạch và khô ráo.
Mọi việc diễn biến quá nhanh. Trước đó 1 – 2 ngày, còn có những con đã đóng kén, mọi người còn bàn nhau cách để lấy trứng làm giống. Tưởng sẽ được nhiều tằm, họ còn đóng thêm một giàn nữa để đặt nong nuôi.
Lý do cho vụ tằm c.hết hàng loạt được phỏng đoán là do khí hậu khắc nghiệt. Khu vực này là vùng núi, buổi sáng trời nắng nóng nhưng đến tối lại lạnh, nhiệt độ xuống thấp từ 6 – 7 độ. Có thể thời điểm chín, tằm nhạy cảm hơn nên dễ ốm bệnh hơn.
Việc đám tằm bị chú ý quá mức cũng được đề cập tới. Đông Paulo chia sẻ, dù đã yêu cầu một số người nhất định lo việc chăm sóc tằm, dường như nhiều người lạ ở bản tò mò muốn xem nhiều xem “sâu Việt Nam” thế nào đã vào khu vực nuôi mà không kiêng cữ.
Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, trang trại Việt Phi của Linh Phillip – một người trong team châu Phi có Quang Linh Vlog – thắng lớn vụ lúa nước đầu mùa. Trải qua nhiều gian nan, thử nghiệm trồng 10 ruộng lúa nước trong mùa mưa Angola đã thành công rực rỡ. Linh Phillip và các anh em trang trại thu được 1,5 tấn lúa.
Một phần lúa giống được chia lại cho các anh em trong team để trồng thử nghiệm, nhân rộng mô hình và diện tích canh tác lúa nước Việt Nam. Trang trại của Đông Paulo cũng là một địa chỉ nhận giống, với hy vọng có thể thành công như người bạn của mình.
Tuy nhiên, trước thời tiết khắc nghiệt tại Angola, người xông xáo, ưa thử nghiệm như Đông Paulo cũng chùn bước.
Đông Paulo chia sẻ thêm, dân bản nông trại số 2 đang đến trang trại giúp khai hoang, làm cỏ, làm đất. Anh cũng định mượn Quang Linh Vlog máy cày để làm đất, chuẩn bị gieo trồng các loại rau màu.
Nhiều người theo dõi đã chia sẻ những khó khăn của Đông Paulo, và tư vấn anh nên tập trung vào việc làm hệ thống thủy lợi, đào mương, ngòi kết nối ra sông lớn và có hồ chứa nước dự trữ hơn là vội vàng gieo trồng lúa trái mùa.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, tình trạng khó khăn không diễn ra ở tất cả trang trại của người Việt tại Angola. Phía Việt Phi farm, Linh Phillip đã gieo mạ thành công, sẵn sàng cho việc trồng lúa ngay tại mùa khô.
Với kinh nghiệm có sẵn từ mùa trước, Linh Phillip tỏ ra khá tự tin. Anh và các công nhân cũng tích cực làm đất, cày sâu, tận dụng bùn non và hệ thống tưới tiêu từ vụ trước để trồng lúa trong vụ này.